Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?
Sức khỏe răng miệng: cửa ngõ của sức khỏe toàn thân
Bạn có biết: chỉ cần nhìn vào trong miệng, các bác sĩ có thể phán đoán được nhiều vấn đề sức khỏe toàn thân của bạn? Phải chăng nhiều bệnh lý toàn thân có nguồn gốc từ các bệnh lý về răng miệng?
Hiểu biết về mối tương quan mật thiết giữa sức khỏe răng miệng và toàn thân sẽ giúp bạn phòng tránh được nhiều loại bệnh tật.
Sức khỏe răng miệng quan trọng hơn những gì bạn thường nghĩ
Răng miệng cũng giống như nhiều bộ phận trong cơ thể, luôn tẩm nhuộm các loại vi khuẩn mà hầu hết là lành tính. Bình thường, khả năng bảo vệ tự nhiên trong cơ thể cùng với vệ sinh răng miệng tốt giúp bạn kiểm soát được những loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, nếu thiếu đi vệ sinh răng miệng tốt, lập tức số lượng vi khuẩn sẽ đạt đến mức độ có thể gây bệnh.
Thêm vào đó, một số loại thuốc như thuốc chống dị ứng antihistamins, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu,… có tác dụng phụ làm giảm lượng nước bọt, từ đó làm mất đi khả năng phòng bệnh vì nước bọt giúp làm sạch thức ăn và trung hòa a-xít từ vi khuẩn trong miệng. Các nghiên cứu cũng đã cho thấy các vi khuẩn trong miệng và tình trạng viêm nha chu có thể đóng một vai trò đáng kể trong nhiều loại bệnh.
Một số bệnh như đái tháo đường, nhiễm virus HIV/AIDS… làm giảm sức đề kháng của cơ thể và từ đó cũng khiến các bệnh lý răng miệng càng trở nên trầm trọng.
Các bệnh lý có liên kết với tình trạng sức khỏe răng miệng.
Tình trạng răng miệng có thể tác động, hoăc bị tác động bởi nhiều loại bệnh toàn thân, gồm có:
• Viêm nội tâm mạc: VNTM là tình trạng viêm ở mặt trong màng tim, thường xảy ra khi vi khuẩn từ các cơ quan khác trong cơ thể, như vi khuẩn từ miệng, theo dòng máu về tim và trú ngụ gây viêm.
• Bệnh lý mạch vành tim: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các bệnh lý mạch vành và đột quỵ có liên hệ đến các viêm nhiểm từ vi khuẩn trong miệng.
• Phụ nữ đang mang thai: Bệnh viêm nha chu có liên quan đến tình trạng sinh non và sinh trẻ nhẹ cân.
• Bệnh đái tháo đường: ĐTĐ làm giảm khả năng đề kháng với nhiễm trùng. Người bệnh ĐTĐ có tỷ lệ cao mắc các bệnh về nướu từ trung bình đến nặng, điều này góp phần gây khó khăn cho người bệnh trong việc kiểm soát lượng đường huyết.
• HIV/AIDS: Các bệnh lý trong miệng, các sang thương niêm mạc lở loét rất phổ biến ở người bệnh AIDS.
• Bệnh nhuyễn xương: Là tình trạng xương yếu và dể gãy, có thể liên quan đến tình trạng mất răng và tiêu xương hàm trong bệnh lý nha chu.
• Hội chứng Alzheimer: Mất nhiều răng trước 35 tuổi là 1 yếu tố nguy cơ của hội chứng Alzheimer.
• Các bệnh lý khác: Hội chứng Sjogren – rối loạn miễn dịch gây khô miệng, và các rối loạn ăn uống khác. Vì vậy, hãy hỏi nha sĩ nếu sức khỏe toàn thân của bạn có những thay đổi bất thường hoặc báo cho nha sĩ biết loại thuốc mà bạn đang sử dụng – đặc biệt khi bạn có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường.
Bảo vệ sức khỏe răng miệng như thế nào?
Hãy thực hành vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày.
• Chải răng tối thiểu 2 lần một ngày
• Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn
• Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn vặt.
• Thay bàn chải mỗi 3-4 tháng hoặc sớm hơn khi lông bàn chải xơ cứng.
• Đi khám răng, vệ sinh răng định kỳ mỗi 6 tháng. Hãy luôn ghi nhớ: Giữ gìn sức khỏe răng miệng tốt chính là một cách để bảo vệ sức khỏe toàn thân của bạn.