Thói quen xấu và những lệch lạc khớp cắn ở trẻ
Những thói quen xấu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra những lệch lạc về răng, khớp cắn và phát triển xương hàm ở trẻ. Sự lệch lạc này phụ thuộc vào loại thói quen, tần suất của thói quen và thời gian kéo dài của thói quen. Những thói quen này thường xuất hiện từ khi trẻ còn rất nhỏ, vì vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm và đưa trẻ đến các cơ sở điều trị để được thăm khám và hướng dẫn cách loại bỏ thói quen xấu của trẻ. Một số thói quen xấu hay gặp ở trẻ như thói quen mút tay, mút núm vú cao su, đẩy lưỡi, thở miệng, nghiến răng….
Thói quen mút núm vú cao su, mút tay
Đây là thói quen phổ biến, thường gặp ở trẻ 1 đến 3 tuổi do ở giai đoạn này, trẻ có nhu cầu tự trấn an. Nếu thói quen này được kết thúc trước 5 tuổi thì thường ít gây vấn đề sai lệch về khớp cắn. Một số trẻ có thói quen này kéo dài đến giai đoạn thay răng gây ra những sai lệch: Răng cửa trên chìa ra trước, răng cửa dưới nghiêng về phía sau, khớp cắn hở…
Thói quen đẩy lưỡi
Đây là hoạt động bất thường của lưỡi, lưỡi đẩy ra trước và nằm giữa răng của trên và dưới trong quá trình ăn nhai, nuốt, phát âm hay ngay ở trạng thái nghỉ.
Cha mẹ có thể nhận thấy sai lệch ở răng trẻ như: Các răng cửa hai hàm không chạm nhau, không cắn được thức ăn bằng răng cửa, trẻ phát âm kiểu ‘đầy lưỡi’. Vì vậy, khi phát hiện những lệch lạc răng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị sớm.
Thói quen mút môi
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng môi nằm giữa răng cửa 2 hàm, môi có in dấu răng, môi dưới thường xuyên ướt. Trẻ có thói quen mút môi thường gây ra lệch lạc: Các răng cửa trên ngả trước, thưa nhau, răng cửa dưới ngả trong, cắn vào vùng lợi ở mặt trong răng cửa trên, khấp khểnh vùng răng cửa dưới, khớp cắn sâu
Thói quen này có thể loại bỏ bằng việc chỉ định cho trẻ đeo các khí cụ chức năng phù hợp
Thói quen thở miệng
Thở miệng là thói quen thường gặp ở những trẻ có bệnh lý đường hô hấp trên, viêm VA kéo dài… với tình trạng này, cần phối hợp với chuyên khoa Tai Mũi Họng để điều trị, giải quyết các vấn đề bệnh lý đương hô hấp trên để trẻ có thể thở bằng mũi.
Thói quen thở miệng kéo dài có thể gây ra các ảnh hưởng cho sự tăng trưởng xương hàm, sọ mặt và sức khỏe toàn thân của trẻ. Ngoài các vấn đề về khớp cắn, tình trạng phổ biến mà cha mẹ dễ quan sát thấy nhất là hình ảnh khuôn mặt dài, nhọn, môi khô, không khép kín, cười hở lợi, cung hàm hẹp, nhọn hình chữ V, khớp cắn hở…
Các thói quen khác
Ngoài những thói quen xấu trên, chúng ta có thể gặp các thói quen xấu khác ở trẻ như nghiến răng khi ngủ, cắn móng tay, cắn đồ chơi, vật cứng… các thói quen này có thể gây ra tình trạng mòn răng, sứt răng, vỡ răng…Thói quen ăn nhai 1 bên, chống cằm … cũng có thể gây ra các ảnh hưởng trong quá trình phát triển sọ mặt của trẻ.
Những thói quen xấu kéo dài có thể gây ra những lệch lạc ở bộ răng vĩnh viễn cũng như những sai lệch trong quá trình tăng trưởng của xương hàm, sự phát triển sọ mặt ở trẻ. Vì vậy, trẻ cần được thăm khám răng miệng định kì từ khi con mọc chiếc răng đầu tiên, để phát hiện sớm những thói quen xấu và các bệnh lý răng miệng khác, điều trị kịp thời giúp con có bộ răng khỏe đẹp và chức năng ăn nhai tốt.
Bài viết có sử dụng 1 số hình ảnh được cung cấp bởi Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương.