Phanh môi, má, lưỡi là tổ chức cơ liên kết giữa môi, má, lưỡi với phần lợi dính trên răng hoặc với sàn miệng. Đôi khi sự liên kết quá mức của chúng gây cản trở việc thực hiện các chức năng bình thường trong miệng. Khi đó chúng ta cần tới phẫu thuật cắt phanh.

Phẫu thuật cắt phanh là gì?

Đây là một phẫu thuật đơn giản để loại bỏ hoặc làm giảm căng các phanh ở trong miệng. Có 3 loại phanh chính ở trong miệng, đó là phanh môi, phanh lưỡi và phanh má, chúng đôi khi gây cản trở các chức năng bình thường của miệng, khi đó cần tới phẫu thuật. Phanh má kết nối giữa mặt trong của má với phần lợi ở phía trong các răng hàm, phanh lưỡi nối lưỡi với sàn miệng và phanh môi trên nối phần bên trong môi trên với phần lợi ở trên 2 răng cửa trước.

Khi chúng ta há miệng, hầu hết các phanh được bộc lộ, chỉ có phần phanh má là chúng ta khó có thể nhìn thấy nếu há miệng bình thường, chúng ta có thể dùng tay vén phần môi trên và môi dưới lên để nhìn thấy phanh má ở vùng các răng sau. Phanh má thường hiếm khi gây ra cản trở hoặc khe thưa do dó không có chỉ định phẫu thuật

Phẫu Thuật Cắt Phanh Lưỡi

Phanh lưỡi kết nối lưỡi với sàn miệng. Bình thường nó bám vào khoảng 1/3 giữa ở mặt dưới của lưỡi. Đôi khi, phanh lưỡi chạy dọc mặt dưới của lưỡi và bám ngay vào vị trí đầu lưỡi, gây ra tình trạng “lưỡi bị buộc” hay “ngắn phanh lưỡi”, “dính thắng lưỡi” như hình bên dưới:

 

Tình trạng lưỡi bị giới hạn như vậy thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Nếu sự giới hạn nằm trong phạm vị trẻ có thể tự điều chỉnh, trẻ vẫn có thể ăn và nói một cách bình thường. Nếu chỗ bám của phanh lưỡi vượt quá tới đầu lưỡi, khi đó phẫu thuật cắt phanh là lựa chọn duy nhất để trả lại cho trẻ chức năng bình thường của lưỡi.

Phẫu thuật bằng dao điện hoặc laser thường

Phẫu thuật cắt phanh lưỡi là một thủ thuật đơn giản, lưỡi được gây tê trước khi tiến hành thủ thuật. Bác sĩ sẽ cắt phần phanh lưỡi dính vào đầu phía trên của lưỡi để lưỡi có thể chuyển động được dễ dàng. Sau đó, khâu phục hồi để cầm máu và lành thương lưỡi.

Phẫu Thuật Cắt Phanh Môi Trên

Phanh môi trên là dải cơ mảnh bám từ mặt trong môi trên cho tới bề mặt lợi ở phía trên 2 răng cửa trước. Bạn có thể nhìn thấy dải cơ này khi kéo môi trên lên.

Phanh môi bám cao (bám gần với vị trí giữa 2 răng cửa hoặc bám qua vị trí này) sẽ tạo ra khoảng hở lớn giữa 2 răng cửa hàm trên. Ba mẹ nên lưu ý tới vấn đề này. Tuy nhiên, trừ khi phanh môi gây đau nhiều ở môi trên và lợi, trẻ chưa cần phải điều trị ngay. Điều trị nên được trì hoãn cho tới khi các răng vĩnh viễn hàm trên mọc. Đại đa số, sự thay răng sữa và mọc răng vĩnh viễn sẽ giúp cho việc đóng khe thưa này một cách tự nhiên. Nếu như khe thưa không được đóng kín, khi đó cần điều trị chỉnh nha.

Nếu răng xuất hiện khe thưa tái phát sau khi đã điều trị bằng chỉnh nha, khi đó cần thiết phải tiến hành phẫu thuật cắt phanh môi. Không nên phẫu thuật cắt phanh môi trước khi đóng khe thưa, bởi vì vị trí cắt có thể hình thành sẹo khiến cho không thể đóng kín hoàn toàn khoảng hở giữa 2 răng cửa trên.

Phanh môi dưới ít khi gây ra hiện tượng khe thưa nên hầu như không có chỉ định cắt bỏ.

Dưới đây là hình ảnh sau phẫu thuật cắt phanh môi bằng dao điện hoặc laser thông thường

 

Kết Luận

  • Chỉ nên phẫu thuật cắt phanh khi nó gây ra các vấn đề như đau và ảnh hưởng tới chức năng.
  • Phẫu thuật cắt phanh lưỡi cần được cân nhắc nếu như trẻ gặp khó khi khi ăn uống, nuốt và nói chuyện.
  • Phẫu thuật cắt phanh môi nên được quan tâm trong giai đoạn mọc răng sữa nếu như nó khiến trẻ bị đau. Nếu phanh môi trên gây ra khoảng hở giữa các răng cửa trước hàm trên, khi đó phẫu thuật cắt phanh môi chỉ được chỉ định khi đã đóng khoảng bằng nắn chỉnh răng. Nếu phẫu thuật cắt phanh mỗi được thực hiện trước khi đóng khoảng, mô sẹo hình thành sau đó khiến cản trở việc đóng khoảng do đó có thể để lại khe thưa vĩnh viễn giữa 2 răng cửa của trẻ.
  • Phanh má và phanh môi dưới hầu như không có chỉ định phẫu thuật do ít gây ra các vấn đề đối với trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *