Vệ sinh răng miệng là 1 phần quan trọng trong quá trình nắn chỉnh răng, có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị. Bệnh nhân nắn chỉnh răng bằng mắc cài thường gặp khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng do thức ăn có thể kẹt vào mắc cài và dây cung.
Nếu vệ sinh răng miệng không tốt có thể dẫn tới các tình trạng như viêm lợi, hôi miệng, chảy máu khi đánh răng hoặc dẫn tới tình trạng sâu răng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và có thể làm gián đoạn quá trình niềng răng, do chúng ta cần phải điều trị các bệnh răng miệng trên. Dưới đây là 1 số cách giúp tăng hiệu quả cho việc vệ sinh răng miệng.
1 – Sử dụng bàn chải mềm
Đánh răng 2 lần/ngày hoặc chải sạch răng sau khi ăn, sử dụng bàn chải lông mềm, chải tất cả các mặt răng, chải kĩ và nhẹ nhàng xung quanh mắc cài, chải xoay tròn hoặc lên xuống, bàn chải nghiêng góc 45 độ về phía lợi.
Nên chọn các bàn chải đầu nhỏ, giúp bàn chải dễ dàng tiếp cận những răng sau của vùng răng hàm. Bàn chải đầu to gây khó khăn trong việc chải răng và có thể làm bong mắc cài. Nên thay bàn chải 3 tháng 1 lần trong thời gian đeo mắc cài.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm bàn chải kẽ để làm sạch các kẽ răng và mặt bên của các mắc cài. Những bàn chải này có đầu nhỏ, dạng chữ I và chữ L, sử dụng linh hoạt cho vùng kẽ răng cửa và răng hàm.
2 – Đánh răng với kem đánh răng chứa Fluor
Flour là thành phần cần thiết cho quá trình tạo men và ngà răng, có tác dụng củng cố, bảo vệ men răng, ngăn ngừa sâu răng. Ngoài ra, Fluor còn giúp tái khoáng hóa những phần men răng tổn thương mà chưa hình thành lỗ sâu. Vì thế, việc đánh răng bằng kem đánh răng có chứa Fluor nồng độ 5000ppm 2 lần mỗi ngày giúp bạn bảo vệ răng tốt hơn, ngăn ngừa sâu răng.
3 – Sử dụng chỉ tơ nha khoa
Chỉ tơ giúp làm lấy đi phần thức ăn nằm giữa các kẽ răng mà bàn chải không làm sạch được. Điều này giúp hạn chế việc sâu răng ở kẽ răng và mặt bên của các răng. Bạn nên dùng chỉ tơ nha khoa ít nhất 1 lần mỗi ngày hoặc sau khi ăn xong.
Bạn hãy lấy 1 đoạn chỉ tơ dài khoảng 30-40cm, luồn 1 đầu của sợi chỉ xuống dưới dây cung, sau đó cuốn chỉ vào hai ngón tay giữa, để lại 1 đoạn chỉ 3-5cm giữa hai ngón tay, sau đó nhẹ nhàng dùng ngón trỏ và ngón cái đưa chỉ tơ xuống vùng kẽ răng, đưa theo cổ răng và lấy đi thức ăn thừa.
4 – Sử dụng thêm nước súc miệng
Sau khi chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa, bạn có thể sử dụng thêm nước súc miệng để làm sạch hoàn toàn mảng bám và khoang miệng của bạn. Nước súc miệng chứa Fluor cũng giúp kiểm soát mảng bám tốt hơn, giẩm ê buốt và ngăn ngừa sâu răng. Nước súc miệng chứa Chlohexidine có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng viêm lợi. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng.
5 – Sử dụng tăm nước
Tăm nước là sử dụng tia nước dưới áp lực. Có thể đi sâu vào kẽ răng và làm sạch dây cung và mắc cài một cách tối ưu. Đây cũng là một bước làm sạch răng hiệu quả và được các nha sĩ khuyên nên sử dụng. Tuy nhiên, tăm nước không thể thay thế cho việc chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa
6 – Lấy cao răng định kì
Quá trình nắn chỉnh răng với mắc cài thường kéo dài từ 1 đến 2 năm. Ngoài việc thăm khám định kì với bác sĩ nắn chỉnh, các bạn nên lấy cao răng định kì 4 – 6 tháng 1 lần giúp kiểm soát cao răng, đặc biệt là cao răng dưới lợi hay ở các vùng không quan sát đươc. Nếu để cao răng tích tụ quá nhiều cũng là nguyên nhân gây viêm lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
7 – Vài lưu ý về chế độ ăn
Bên cạnh chăm sóc răng miệng, có một số lưu ý trong chế độ ăn cho các bạn như sau:
Trong một vài ngày hoặc vài tuần sau khi gắn mắc cài, đây là thời gian mô mềm trong miệng như môi, má, lưỡi làm quen với sự có mặt của những người bạn mới là các khí cụ nắn chỉnh. Răng cũng bắt đầu nhận được các lực tác động đầu tiên. Vì vậy, tình trạng đau, cộm, vướng víu có thể xảy ra trong giai đoạn này. Lúc này, bạn nên ăn những món ăn mềm như cháo, súp, sữa, sinh tố…
Ăn chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn những đồ ăn quá cứng như xương, mía, hoa quả cứng.. nên cắt thức ăn thành miếng nhỏ , mỏng để dễ nhai, nuốt và không gây áp lực lên răng. Tránh ăn những món ăn quá dai , dính như kẹo dừa, kẹo cao su… vì khó vệ sinh nếu như dính vào mắc cài. Những món ăn có chứa nhiều đường cũng tăng nguy cơ sâu răng cho bạn.
Việc bong mắc cài, khí cụ có thể làm kéo dài thời gian điều trị của bạn hơn kế hoạch ban đầu. Uống nhiều nước, chia thành nhiều lần trong ngày, vì trong quá trình niềng răng, miệng dễ bị khô hơn bình thường.
Trên đây là một số cách trong việc vệ sinh răng miệng trong quá trình niềng răng mắc cài, cũng như một số lưu ý cho chế độ ăn uống. Hi vọng bài viết này có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn có hàm răng khỏe mạnh và một nụ cười thật tỏa sáng.
Để được hỗ trợ hay tư vấn thêm về cách chăm sóc răng miệng trong khi niềng răng mắc cài, bạn hãy liên hệ với Nha Khoa Minh Thu nhé!